Home Tin tức Bài phỏng vấn OKU HIROYA của Daryl Harding – Phần 2 (Kết)

Bài phỏng vấn OKU HIROYA của Daryl Harding – Phần 2 (Kết)

Ở phần 1 cuộc phỏng vấn, Oku Hiroya đã trao đổi về quá trình tạo nên GIGANT. Ở phần này, chúng ta sẽ cùng trò chuyện với ông về Gantz cũng như những kế hoạch trong tương lai.

Mời các bạn theo dõi tiếp phần 2 và cũng là phần kết của buổi phỏng vấn Oku Hiroya của Daryl Harding.

Harding: Dạo gần đây đã có nhiều bộ anime được reboot như Shaman King hay Sailor Moon. Vậy với một manga 17 năm tuổi như Gantz thì ông có mong muốn một bản reboot cho tác phẩm của mình không?

Oku: Chà! Đã từng đó năm rồi đấy! Tôi nghĩ tính khả thi để thực hiện một anime như Gantz hay những seinen manga khác thực sự khá là khó. Đặc biệt là những cảnh máu me, bạo lực lẫn tình dục. Khi Gantz lần đầu chuyển thể lên anime thì nó đã gặp không ít khó khăn với cơ quan kiểm duyệt. Tôi cũng đã nói với TV producer khi ấy về việc “Chúng ta sẽ không thể thay đổi những thứ thuộc về bản chất của nó”. Đạo diễn anime lúc đó cũng do dự về việc này. Hiện nay việc kiểm duyệt ngày càng gắt gao nên tôi nghĩ sẽ không có bản reboot nào của Gantz đâu.

Harding: Vậy còn bản remake từ Hollywood thì sao? Ông đã reply một tin đồn trên Twitter với emoji 🤫suỵt

Oku: Vâng, tôi không thể tiết lộ chi tiết được. Nhưng một công ty làm phim ở Hollywood đã mua lại quyền chuyển thể Gantz. Trừ khi họ trả lại quyền chuyển thể đó cho tôi, còn không thì chúng tôi sẽ không được phép làm anime hay bản live-action nào liên quan đến Gantz cả. Đó là điều khoản trong hợp đồng: Họ sở hữu quyền chuyển thể tác phẩm, bao gồm anime và live-action.
Hiện tại, spin-off Gantz: E đang được phát hành hàng tháng trên Young Jump. Nó được phép phát hành vì đó là manga, nhưng không được phép chuyển thể thành anime. Điều này thật sự khá đau lòng với tôi.

(photo: Daryl Harding)

Harding: Họ sở hữu quyền chuyển thể tác phẩm trong bao lâu vậy?

Oku: Khoảng hơn 4 năm. Chúng tôi đã ký hợp đồng vào năm ngoái. Tôi vẫn chưa được cập nhật tình hình hay tiến độ của bản chuyển thể Hollywood đó đến đâu. Do đại dịch Covid-19 nên nhiều dự án đã bị tạm ngưng, Gantz có thể là một trong số đó. Nếu Gantz bị tạm ngưng thì tôi muốn được lấy lại quyền chuyển thể tác phẩm.

Harding: Ông có tham gia vào quá trình sản xuất bản anime Full CGI Gantz: O năm 2016 không?

Oku: Tôi hoàn toàn không tác động gì đến đội ngũ sản xuất cả. Nhưng họ có đề nghị tôi thiết kế lại các vũ khí như X-gun, Y-Gun, thậm chí là cả Gantz Motor nữa. Họ muốn thêm nhiều chi tiết hơn nữa vào các thiết bị lẫn vật dụng sao cho chúng giống manga nhất có thể. Tôi thực sự rất thích điều đó.
Họ còn nói mỗi khẩu súng lẫn vật dụng cần có thứ gì đó để tạo điểm nhấn ấn tượng. Tôi đã đề cập là “hãy sử dụng ánh sáng xanh da trời” ở một số chỗ nào đó ấy. Ngoài ra, cảnh Mecha sử dụng thanh Katana chém ra tia năng lượng khi chiến đấu với Gyuki cũng là do tôi thêm vào, chứ trong manga không hề có.

Shibuya: Gantz đã thành công trên toàn thế giới. Theo ông nghĩ thì đâu là lý do mà Gantz lại được đón nhận nồng nhiệt ở các nước đến vậy?

Oku: Nhiều lúc tôi không để ý rằng mình lại có nhiều fan ở nước ngoài đến vậy. Đúng là Gantz đã được dịch sang nhiều thứ tiếng cũng như được phát hành manga lẫn ebook tại nhiều quốc gia. Nhưng tôi vẫn chưa quen với cảm giác được nhiều người bên ngoài lãnh thổ Nhật Bản biết đến và hâm mộ manga của mình. Thỉnh thoảng, tôi cũng nhận được nhiều comment không-phải-tiếng-Nhật trên twitter của mình. Nhưng tôi vẫn không ngờ rằng tác phẩm của mình lại phổ biến đến vậy.

Shibuya: Nhiều Youtuber nước ngoài có đăng review về anime hay manga. Khi tôi search các tác phẩm của sensei thì khá nhiều trong số đó là đến từ Pháp. Họ rất thích GIGANT…

Oku: Ồ! Thật sao? Tôi không ngờ đấy.

Biên tập của Oku: Thật đấy! Tôi được biết là bản Vol 1 GIGANT tại Pháp vô cùng hiếm dù nó đã được tái bản nhiều lần.

phỏng vấn OKU HIROYA của Daryl Harding
(photo: Daryl Harding)

Harding: Khi tôi nói với biên tập của mình tại Crunchyroll là chúng ta sẽ phỏng vấn Oku Hiroya thì anh ấy đã vô cùng phấn khích. Cả văn phòng cũng vậy. Trong mắt tôi, tại sao những tác phẩm của ông lại không thể được biết đến rộng rãi ở phương tây khi những tác phẩm cùng thể loại như Westworld hay Game of Thrones lại được yêu mến nồng nhiệt chứ?

Oku: Thật ư? Anh nghĩ vậy sao?

Harding: Chà! Manga thực sự bán rất chạy ở Mỹ đấy

Oku: Tôi thấy nhiều người bàn tán về vấn đề này trên internet. Tôi cũng đọc được nhiều tweet nói rằng comic Mỹ phải quan tâm rất nhiều về vấn đề như chính trị, bản quyền trong khi manga lại không như vậy.

Shibuya: Những vấn đề bản quyền càng lúc càng được thắt chặt. Một số fan ở Mỹ còn xem sensei như là Stan Lee của Nhật Bản khi ông ấy thường hay cho bản thân hoặc các tác phẩm của mình xuất hiện trong các bộ manga.

Oku: Ồ! Oku-kun trong bộ HEN trùng tên với tôi nhưng thực sự nhân vật đó chịu ảnh hưởng từ một người bạn của tôi thời trung học. Thậm chí, nhân vật đó từ ngoại hình đến tính cách hoàn toàn không giống tôi ngoại trừ cái tên.
Còn lý do tôi lại mang poster của Gantz vào trong manga Inuyashiki thì đó là vì tôi muốn tạo cho độc giả cảm giác rằng diễn biến câu chuyện đang diễn ra ngoài đời thật. Tôi muốn sử dụng tên người lẫn đồ vật ngoài đời thật vào trong manga của mình càng nhiều càng tốt. Để được xuất hiện ở trong những bộ manga khác thì cần có được sự cho phép của nhiều bên. Dù sao cũng sở hữu Gantz nên tôi mới bắt đầu chọn Gantz xuất hiện trong các bộ manga tiếp theo của mình.

(photo: Daryl Harding)

Harding: Liệu có những bộ manga hay những tượng đài, biểu tượng nào mà ông muốn xin phép để được xuất hiện trong bộ manga của mình nhưng họ vẫn từ chối không?

Oku: Điều đó đã từng xảy ra trong Gantz. Trong phân cảnh những sinh vật ngoài vũ trụ đến xâm lược trái đất, những cỗ máy robot của bọn chúng hạ cánh xuống và bắt gặp mô hình Gundam ở Odaiba. Chúng nghĩ rằng mô hình đó là kẻ địch nên đã phá hủy nó. Tôi thật sự rất muốn cho tình tiết đó vào Gantz nhưng lại chẳng có được sự cho phép của bên sở hữu nên tôi đành phải từ bỏ suy nghĩ đó.

Harding: Chi tiết đó nếu xuất hiện ở Gantz thì thật thú vị.

Shibuya: Hình như sensei có nhắc đến việc manga của mình thường sao chép nguyên mẫu từ đời thực. Vì thế mà chúng thường được chuyển thể thành live-action nhiều hơn anime đấy.

Oku: Chắc có lẽ là do tác phẩm của tôi khá sát với thực tế chăng?

Biên tập của Oku: Trở về khoảng những năm 90 thì manga thường được chuyển thể thành live-action nhiều hơn anime. Khoảng đầu năm 2000 thì anime mới nổi lên, điều đó giúp manga bán chạy hơn. Như bộ Kimetsu No Yaiba đã có doanh thu gấp 10 lần sau khi có anime là một ví dụ điển hình.

Shibuya: Là một người đã từng xem rất nhiều bộ live-action thì sensei có cảm thấy tự hào hay đặc biệt nào không khi tác phẩm của mình được chuyển thể thành live-action?

Oku: Cũng không hẳn. Tôi là một fan trung thành của anime từ bé mà. Hồi học trung học, tôi đã tham gia một câu lạc bộ animation và đã tham gia vẽ các tranh animation. Việc tác phẩm của mình được chuyển thể thành anime hoặc live-action cũng đều khiến tôi vui cả.
Tuy nhiên, điều tôi lo ngại là vẽ gồm rất nhiều công đoạn cho nên sẽ rất khó vẽ tay khi thực hiện anime. Hơn nữa, phong cách vẽ cũng khác nhau khi chuyển từ manga sang anime.
Ngay cả với bộ Inuyashiki, khi mà các nhân vật được vẽ vô cùng giống với nguyên tác, nhưng tôi vẫn nhận ra nhiều nét vẽ đã bị mất khi xuất hiện trên khung hinh. Vì vậy tôi cho rằng các tác phẩm của mình không phù hợp để chuyển thể thành anime cho lắm.

Shibuya: Nhắc đến Gantz anime thì tôi thấy là chuyển động animation của nhân vật rất tuyệt vời. Nhưng đôi lúc tôi vẫn nghĩ đó là một nhân vật khác so với nguyên tác.

Oku: Tôi hiểu. Khuôn mặt nhân vật tôi vẽ khá giống so với người thật nên sẽ rất khó khi dùng animation thể hiện biểu cảm. Phong cách vẽ “kịch hóa” thì sẽ dễ chuyển thể sang anime hơn. Phong cách vẽ của tôi thì ngược lại nên các tác phẩm của tôi rất khó để chuyển thể thành anime. Tôi thấy khá là tiếc cho các studio anime (Cười) duù kinh phí sản xuất cho một bộ anime ngang ngửa với làm live-action. Việc chuyển thể các tác phẩm của tôi đòi hỏi nhiều nét vẽ tỉ mỉ dẫn đến sẽ tiêu tốn nhiều công sức lẫn thời gian vào công việc nhiều hơn so với các tác phẩm khác.

Biên tâp của Oku: Nhiều fan manga đều vô cùng phần khích khi bộ manga yêu thích của họ được chuyển thể thành anime. Điều đó được xem như là một “bản nâng cấp” so với tác phẩm gốc. Việc chuyển thể thành anime giống như là bù trừ giúp cho bộ manga bán chạy hơn. Những nhà sản xuất anime vì thế mà có động lực hơn để sáng tạo thêm những tình tiết cảm động hay phân cảnh hành động mãn nhãn để thu hút thêm những độc giả phổ thông. Nhưng công việc và tác phẩm của Oku-sensei vốn đã hoàn hảo sẵn rồi. Manga của ông ấy không phải loại “cần chuyển thể thành anime để tác phẩm gốc nổi tiếng hơn”.

Shibuya: Làm thế nào mà sensei có thể đạt được trình độ vẽ độc nhất vô nhị đến vậy? Từ lúc bắt đầu sự nghiệp của mình, phong cách của sensei đã rất giống điện ảnh (cinematic) rồi. Sau đó, nó đã đạt đến trình độ mà khi độc giả nhìn vào sẽ biết đó chính tác phẩm của ông.

 

Oku: Tôi cũng nhận ra điều đó sau mỗi một bộ manga được hoàn thành. Thật ra thì, điều này khá là tế nhị nhưng tôi luôn cố thay đổi phong cách vẽ của mình sau mỗi một bộ manga. Phong cách vẽ của tôi trước khi thực hiện bộ HEN khá là khác so với bây giờ. Khi thực hiện bộ HEN thì tôi đã nghĩ đến việc pha trộn giữa phong cách anime và shojo manga (manga lãng mạn có các nhân vật chính là nữ) sẽ phù hợp với bộ truyện hơn. Sau khi bộ HEN kết thúc, tôi đã dùng phong cách drama một lần nữa cho bộ Zero-One và nó đã thất bại khi truyện không bán được. Chính vì thế mà tôi đã vẽ Gantz có chút manga hơn so với Zero-One. Inuyashiki thì tôi lại pha thêm một chút yếu tố siêu nhiên với drama tình cảm để khiến nó phù hợp với nội dung của truyện. Hiện giờ thì tôi đang sử dụng phong cách vẽ phổng thông hơn trong GIGANT.

(photo: Daryl Harding)

Harding: Vậy ông thích vẽ phong cách nào nhất?

Oku: Tôi nghĩ là mình thích phong cách vẽ kiểu drama trong Inuyashiki hơn cả.

Shibuya: Khi thực hiện Gantz thì trong một cuộc phỏng vấn, sensei có đề cập rằng “những nhân vật ưa nhìn như Kato hay Kurono thì khó vẽ hơn những người khác như Suzuki-san”. Điều đó giờ vẫn còn ư?

Oku: Tôi luôn thích thú khi vẽ những nhân vật ưa nhìn nhưng khá là khó để cân đối khi vẽ những khuôn mặt xinh đẹp. Việc này vô cùng khó khi một nét vẽ cũng có thể phá hủy tất cả khuôn mặt nhân vật. Nhân vật ông già Suzuki-san thì lại dễ dàng hơn. Những khuôn mặt xinh đẹp yêu cầu sự tập trung cao độ cũng như khiến tôi căng thẳng hơn khi thực hiện. Mỗi lần vẽ những nhân vật có vẻ ngoài ưa nhìn thì tôi luôn mong dáng vẻ hoặc khuôn mặt lý tưởng nhất khi mình vẽ không phải sửa hay tẩy xóa quá nhiều.

Shibuya: Tôi có cover vol 1 của Inuyashiki đây. Và khuôn mặt của ông già với những nếp nhăn nhìn khá là chân thực. Phải mất bao lâu để sensei hoàn thiện xong cover này vậy?

Oku: Cũng chẳng tốn nhiều thời gian lắm đâu, dù khuôn mặt của Inuyashiki có khá là nhiều nếp nhăn. Vẽ Inuyashiki không cần phải tập trung quá nhiều nên tôi khá là thoải mái khi thực hiện. Nhưng khi vẽ những nhân vật xinh đẹp lại đòi hỏi nhiều năng lượng khi làm việc hơn. Ví dụ như trong GIGANT, cả hai nhân vật chính là Papiko và Rei-kun là những người khá hấp dẫn nên tôi đã phải tập trung cao độ khi vừa vẽ vừa hình dung chuyển động họ trong đầu.
Thật sự thì đa phần các mangaka thích vẽ các nhân vật ông chú – oijisan bởi vì nó khá là dễ, không có áp lực nhiều.

Harding: Đa số ấn tượng của nhiều người về các tác phẩm của ông, nhất là Gantz, đó là các cảnh khiêu dâm, tính bạo lực và sự quái dị. Đó là chủ ý của ông khi sử dụng những yếu tố đó không?

Oku: Vâng, đó chính là 3 yếu tố tôi yêu thích, giống như trong Game of Thrones hay The Boys. Tôi luôn yêu thích một bộ phim có những yếu tố như vậy, giống như là thưởng thức một bát mỳ ramen với topping là những yếu tố đó. Thứ tôi vẽ cũng chính là thứ mà tôi muốn được xem. Nếu có một người giống như tôi thì có lẽ ông ấy cũng sẽ rất thích thú khi đọc những tác phẩm của tôi. Đó là cảm giác mà tôi mỗi khi viết câu chuyện cho manga của mình. Vì lẽ đó mà manga của tôi luôn có 3 yếu tố kia là chủ đạo.

Biên tập của Oku: Xin lỗi vì đã chen ngang. Dù những tác phẩm của Oku-sensei có những yếu tố bạo lực hay các cảnh khiêu dâm nhưng trong đó vẫn chứa đựng tính hiện thực và tình yêu thuần khiết. Là một biên tập thì đối với tôi đã những gia vị thơm ngon cần thiết cho câu chuyện. Tôi biết loại hình giải trí này được so sánh là khá giống với các thể loại ecchi hay moe (các nhân vật nữ có ngoại hình gợi cảm). Những thể loại để chuyên dùng để phục vụ cho các fan base. Vì thế, là biên tập của Oku khiến tôi vô cùng thỏa mãn.

Harding: Ông đã làm việc với 3 công ty xuất bản lớn nhất tại Nhật Bản, đó là: Shueisha, Kodansha và giờ là Shogakukan. Có sự khác biệt nào giữa họ không hay công việc của ông có cần phải thay đổi điều gì để phù hợp với từng nhà xuất bản chứ?

Oku: Không đâu! Tôi chẳng có phải cố gắng thay đổi gì để cho hài lòng các công ty đó cả. Bọn họ có văn hóa làm việc của riêng mỗi công ty. Nhưng thật sự tôi cũng không để ý quá về những tiểu tiết đó. Họ đơn giản chỉ là đưa cho tôi đề nghị hợp tác và tôi cứ thế mà tiến hành thôi.

Biên tập của Oku: Tôi không nghĩ việc xuất bản các seinen manga lại phụ thuộc vào các công ty. Khi tôi còn là một biên tập tự do (freelance editor) cho đến năm ngoái, công ty Kadokawa đã trở thành bậc thầy trong việc sáng tạo nội dung trong khi Shonen Jump vốn dĩ từ lâu đã là tập đoàn quyền lực nhất của Shueisha mà chẳng công ty nào có thể so sánh được. Mỗi công ty đều có điểm mạnh của riêng mình nhưng seinen manga ở mỗi nơi đều không có quá nhiều điểm khác biệt nhau lắm đâu.

(photo: Daryl Harding)

Shibuya: Dù sao cũng vô cùng đáng kinh ngạc khi sensei lại có được một lực lượng fan ở nước ngoài đông đảo đến vậy dù ông không hề có chủ đích nhắm đến họ ngay từ đầu.

Oku: Đối với tôi, một mangaka nên nhắm vào việc tập trung vào việc tạo nên chất lượng bộ truyện hơn là nhắm đến độc giả nước ngoài. Nếu bạn chứ chăm chăm vào việc phục vụ độc giả thì nội dung tác phẩm sẽ trở nên loãng và nhàm chán. Bạn phải xây dựng được một bộ phận fan thích đọc nội dung hay câu chuyện mà bạn kể rồi hãy nghĩ đến việc đem nó sang các nước khác.

Shibuya: Sensei có cảm thấy hứng thú khi tham dự những sự kiện quốc tế không?

Oku: Tôi không thích những chuyến bay dài cho lắm… (cười)

Shibuya: Sensei cũng không còn thích xuất hiện trước công chúng như trước nữa. Có lý do đằng nào đằng sau chuyện này không?

Oku: Tôi đã vài lần xuất hiện lúc internet còn chưa phát triển mạnh mẽ như bây giờ. Nhưng gần đây khi xuất hiện Twitter cũng như các mạng xã hội khác thì tôi cảm thấy khá là phiền toái khi những bức ảnh của mình xuất hiện trên internet còn mọi người lại bàn tán về vẻ bên ngoài của tôi. Chẳng có gì tốt cho các mangaka khi họ show mặt thật của mình cho công chúng cả. Ý tôi là nó có giúp manga của họ bán chạy đâu. Hiện nay, ngày càng nhiều các mangaka thuộc thế hệ trẻ chọn không chụp ảnh chân dung hay show mặt thật trước công chúng. Lý do là vì internet với những hệ quả tồi tệ khi mà công chúng cứ bàn tán về vẻ bề ngoài của họ.

Harding: Nếu so sánh thời bây giờ với những năm 80 thì sao? Tôi nhớ là ở Shonen Jump có một cover trên dán toàn ảnh chân dung của các mangaka nổi tiếng thời đó.

Oku: Tôi có nhớ thời đó. Bọn họ thường hay chụp ảnh các mangaka tại những buổi tiệc mà công ty xuất bản tổ chức. Nhưng giờ không còn chuyện đó nữa rồi. Các mangaka giờ không muốn lộ mặt hay thậm chí là giọng nói của họ. Ở Shonen Jump bây giờ thì bạn còn không biết được các mangaka họ trông như thế nào, giới tính ra sao nữa.

Biên tập của Oku: Cách đây rất lâu thì họ còn cung cập địa chỉ nhà của các mangaka để những fan của họ có thể gửi thư đến. Nhưng mà có nhiều cậu bé lại hay đến đó bấm chuông làm phiền các mangaka chỉ để xin chữ ký.

Oku: Tôi có nghe kể về những chuyện đó. Thời của Fujiko Fujio, Tetsuya Chiba hay Osamu Tezuka-sensei còn nổi tiếng ấy.

Harding: Hãy thử tưởng tượng Google Map biết được địa chỉ nhà của ông thì không biết sẽ như thế nào.

Biên tập của Oku: Tôi đã từng đến các buổi lễ trao giải đến nhận thay cho khoảng một nửa các mangaka thắng cuộc. Vì thế mà ảnh của tôi xuất hiện trên giải thưởng và mọi người cứ thế sẽ nhìn thấy tôi khi google search tên tác giả. Tôi có đọc mấy bình luận kiểu “Làm sao lão già này có thể vẽ được bộ manga như vậy chứ?” Internet thật sự không tốt đẹp cho lắm.

Oku: Tôi thật sự hối hận khi chụp ảnh bản thân trong quá khứ. Bởi bây giờ nhiều người vẫn có thể tìm kiếm và sử dụng chúng cho mục đích khác.

(photo: Daryl Harding)

Shibuya: Sensei có thường hay người khác nhận ra khi đi đường không?

Oku: Không hẳn, bởi vì đối với thể loại manga tôi làm thì người khác thường cho rằng tôi khá là đáng sợ. Bất cứ khi nào tôi có một trợ lý mới thì họ đều nói là “tôi nghĩ sensei phải là một người đáng sợ lắm cơ”. Tất cả bọn họ đều ngạc nhiên khi thấy tôi lại quá bình thường đến vậy.

Harding và Shibuya: Câu hỏi cuối cùng. Sensei có lời nào muốn nhắn gửi đến những người hâm mộ của mình không?

Oku: Ban đầu tôi không hề nhắm đến đối tượng cụ thể nào khi vẽ manga cả. Là một mangaka thì khi bắt đầu vẽ manga, tôi chỉ hy vọng là tác phẩm của mình sẽ được độc giả tại Nhật Bản đón nhận. Vậy nên việc các tác phẩm của tôi được đón nhận nồng nhiệt bên ngoài lãnh thổ Nhật Bản là một điều trên cả tuyệt vời. Tôi luôn xem đó là vận may và cũng là niềm vinh hạnh của tôi. Tất cả những gì tôi muốn nói là xin cảm ơn các bạn. Xin hãy luôn ủng hộ nếu các bạn yêu thích manga của tôi. Tôi sẽ không đánh mất mình mà sẽ luôn giữ phong cách vẽ đặc biệt này để tiếp tục cho ra những manga theo cách đặc trưng của riêng tôi.

Harding cùng Shibuya: Trái ngược với phong cách bạo lực và điên rồ trong tác phẩm của mình thì sensei quả thực là một người vô cùng thú vị và tinh tế. Xin cảm ơn ông vì đã bỏ chút thời gian rảnh ít ỏi để tham gia vào cuộc phỏng vấn này.

Oku: Không có gì! Cảm ơn mọi người!

Đăng ký
Thông báo khi có
guest

0 Bình luận
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả các nhận xét
0
Chém gióx